Trong các loại chụp ảnh, có lẽ chụp ảnh sự kiện trên sân khấu là gặp nhiều khó khăn nhất, đòi hỏi nhiếp ảnh gia không chỉ có tay nghề cao mà còn phải nhanh nhạy xử lý tình huống, ánh sáng để đưa ra bức ảnh hoàn chỉnh. Vấn đề nhiều người gặp phải khi chụp ảnh sân khấu đó là ánh sáng. Đèn sân khấu rất sáng và đa dạng màu sắc, tuy nhiên không phải lúc nào cũng cố định, ánh sáng luôn thay đổi lóe lên hay tắt đi bất chợt. Bên cạnh đó, trên sân khấu các hoạt động cũng được diễn ra liên tục không ngừng nghỉ vì vậy để bắt được các khoảnh khắc không phải việc dễ dàng. Chính vì thế, hôm nay Eventus sẽ gợi ý các bạn một vài tips để có thể chụp được những bức ảnh sân khấu ưng ý.
Ánh sáng và thông số kỹ thuật
Mỗi sân khấu đều có cách set up ánh sáng khác nhau để phụ thuộc vào nội dung biểu diễn, tuy nhiên, nhìn chung hầu như các sân khấu đều có đặc điểm ánh sáng yếu, màu vàng và đỏ nhiều. Trên các sân khấu biểu diễn: múa, kịch, ca hát,.. ánh sáng thường được làm để tạo khối, tạo mảng sáng tối nên giữa vùng tối nhất và sáng nhất có sự chênh lệch rõ rệt có khi tới cả 2 stop, nên nếu các bạn lựa chọn chế độ chụp AV hay TV nên lưu ý khi đo sáng matrix nên trừ EV đi để có thể phơi sáng đúng cách, đặc biệt khi chụp những sân khấu biểu diễn thời trang thì nên thay đổi đo sáng với quần áo của người mẫu. Còn các bạn chụp chế độ P hay full auto thì sẽ khó mà chụp được như ý. Cách dễ dàng nhất khi chụp trong trường hợp này là chế độ Manual vì ánh sáng sân khấu thay đổi liên tục, chụp các chế độ tự động dễ bị hỏng vì ánh sáng khá phức tạp. Vì ánh sáng yếu nên hầu như khi chụp các bạn nên để mở khẩu lớn nhất, hoặc lớn hơn bình thường đề phòng ảnh bị “bong”nét.

Cân bằng trắng
Với sân khấu thì thường ta sẽ không có điều kiện để test ánh sáng trước để đặt WB vì thế ta có thể dùng K để chỉnh. Thông thường sân khấu ở ta làm đèn chất lượng thấp và bị vàng hơi nhiều, nhiệt độ trong quãng 2800K-3400K nên trước khi chụp nên set và thử trước để được tấm ảnh vừa ý.

Điểm focus
One-shot là chế độ hay dùng nhất vì để chế độ khác rất hay bị trượt đặc biệt là để Ai Servo vì bạn sẽ phải di chuyển góc máy liên tục để lấy bố cục. Trong trường hợp tối quá, bạn không thể focus được thì bạn nên chọn một vật nào đó ở khoảng cách tương đồng rồi lấy nét, chỉnh qua lấy nét manual và chụp ảnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể ước lượng khoảng cách từ chỗ chụp đến vật thể rồi lấy nét manual, trên ống kính đều chia khoảng cách 1,5m, 3m,4m,5m,10m, vô cực.

Ống kính
Thông thường khi chụp sân khấu, bạn không thể đứng sát hay tiếp cận sấn khấu ở khoảng cách gần nên tele hay được sử dụng. Đương nhiên, ống kính 1 khẩu sẽ chụp đẹp hơn ống kính 2 độ mở và ống tele fix sẽ chụp đẹp hơn so với tele zoom.
Bắt chuyển động
Có lẽ chụp ảnh sân khấu, đây là việc cần thiết và cũng đòi hỏi cao nhất ở nhiếp ảnh gia vì chính chúng ta sẽ là người truyền tải những thông điệp của nội dung biểu diễn đến khán giả. Với sân khấu kịch, việc nắm bắt được những chuyển động tâm trạng của nhân vật là điều tối thiểu, còn những sân khấu hát, múa, nhạc kịch thì các vũ đạo được đề cao để mang lại những bức ảnh lột tả rõ nhất nội dung bài trình diễn. Quan sát và nắm bắt là hai yêu cầu quan trọng khi theo dõi mà trình diễn.

Chụp ảnh sân khấu thường không cố định như chụp ảnh mẫu hay ngoại cảnh vậy nên đòi hỏi người chụp phải tự nắm được những quy tắc căn bản và tự căn chỉnh sao cho có thể có bức ảnh hoàn hảo nhất.